Trần Thị Huyền – Cô giáo trẻ và góc nhìn thay đổi phương pháp học tập môn Ngữ Văn
Trần Thị Huyền là một giáo viên trẻ sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Nam Định – nơi được mệnh danh là vùng đất học.Truyền thống quê hương là cái nôi nuôi dưỡng sự ham học hỏi ,say mê tìm tòi, khám phá của cô giáo tài năng này. Được biết cô Huyền đang là giáo viên luyện thi môn Ngữ Văn tại Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội. Điều ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là một cô giáo trẻ trung năng động, cùng với ngoại hình ưu nhìn và các ăn mặc giản dị nhưng vẫn toát lên được vẻ dịu dàng, thanh thoát.
Cô Huyền cho biết: “Mình thấy rất bất ngờ, vui và hạnh phúc khi mọi người đã biết tới và dành tình cảm cho mình”.
Ngữ Văn không chỉ là một trong những môn học quan trọng mà còn là môn thi bắt buộc của các kì thi kì trên trường và kì thi THPT Quốc gia, bởi vậy cho nên các em học sinh đang rất băn khoăn làm thế nào để có thể học tốt bộ môn này.Với nội dung bài giảng khoa học và logic cùng với việc đưa ra những luận điểm thuyết phục, cô Huyền luôn hướng học sinh của mình phương pháp tiếp cận tác phẩm và vấn đề một cách sâu sắc, khoa học. Bằng khả năng thẩm bình tinh tế, bài giảng của cô luôn cuốn hút, khơi gợi ở học trò tình yêu văn chương và cuộc sống.
Cô Huyền chia sẻ: “Cá nhân tôi cho rằng, học Văn không thực sự quá khó nếu chúng ta biết cách khai thác phù hợp. Văn học mang đến cho người ta sự tưởng tượng, sự sáng tạo, góc nhìn đa chiều chứ không phải bó hẹp lại ở câu chữ. Văn chương giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên tươi đẹp hơn, hướng con người đến sự hoàn thiện. Ngoài ra, nó còn là một vũ khí sắc bén giúp chúng ta dễ dàng bày tỏ quan điểm, ý kiến của cá nhân mình.Vì vậy học văn không thể khuôn khổ, sáo rỗng mà người dạy phải đưa học sinh đến với tình yêu môn văn thực sự.
Các bạn học sinh trước kia đang quen với việc học vẹt, học thuộc văn mẫu hay đọc chép gò bó. Điều đó thực sự giết chết sự sáng tạo của các em. Tôi không phản đối việc các em tham khảo văn mẫu, nhưng các em phải biết cách khai thác nó một cách hợp lý, có dấu ấn của cá nhân mình. Trong quá trình dạy, tôi không đưa sẵn cho các em “miếng bánh béo bở” mà phải dạy các em cách “làm bánh” như thế nào. Có như thế thì học sinh mới có thể sáng tạo theo “hương vị” riêng của cá nhân mình.
“Cô Huyền có giọng văn truyền cảm, cách dạy dễ hiểu, kiến thức sâu sắc và còn rất hay trò chuyện vui vẻ cùng các bạn. Những câu chuyện hài hước của cô khiên buổi học trở nên thú vị và không bao giờ có hình ảnh học sinh ngáp hay ngủ gật trong giờ. Tuy nhiên, cô cũng rất nghiêm khắc trong học tập, điều đó giúp các bạn học sinh rèn luyện tính kỷ luật và luôn cố gắng để đạt được điểm cao trong các kỳ thi.”– đây là chia sẻ và cảm nhận của học sinh nhắc tới cô giáo của mình.
Trong quá trình học, cô giáo sẽ hệ thống lại toàn bộ các kiến thức, bám sát cấu trúc đề thi, cung cấp phương pháp làm các dạng bài từ cơ bản đến chuyên sâu, các vấn đề đòi hỏi khả năng vận dụng và tổng hợp nâng cao. Đồng thời cô cũng giúp các em học sinh có được sự cảm thụ văn học, khả năng lập luận, phân tích sâu sắc. Với cô, học văn cũng là học cách làm người.
Lợi thế của mình là cô giáo trẻ nên cô Huyền luôn tìm tòi nhiều để chọn lựa, định hình phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả. Để có được những bài giảng hay, cô Huyền đã phải dành rất nhiều tâm huyết, năng lực và thời gian đọc, ngẫm nghĩ, lựa chọn, tham khảo, khảo sát tâm lý học sinh.
Cô Huyền chia sẻ : “Chương trình mới sẽ theo hướng mở, chúng ta sẽ phải nói lời tạm biệt với cách học cũ. Kể từ đây, người dạy, người học được tự chủ, phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình. Bên cạnh đó mình cũng luôn phải cố gắng tìm hiểu nhiều phương pháp dạy hơn nữa để gần gũi với mỗi em học sinh hơn.”
PV Khánh Ngọc